Bản đồ đặc sản 3 miền Việt Nam - bỏ túi khi đi xa


"Văn hóa vùng miền thể hiện rõ nhất qua ẩm thực."

Bạn đã đi du lịch đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước - nhưng điều gì làm bạn nhớ nhất khi đến những nơi đó?

Điều gì thấm sâu vào tiềm thức của bạn nhất, đến khi chỉ cần thoáng nhớ lại, cảm xúc lại ùa về, khiến bạn biết chính xác nơi đang được nhắc đến là nơi đâu?

Theo mình, đó chính là nét văn hóa ẩm thực rất riêng của từng vùng miền. Thứ khiến bạn phải cảm nhận bằng tất cả các giác quan: vị giác (miệng nếm), thị giác (mắt nhìn), xúc giác (tay cầm), khứu giác (mũi ngửi) và thính giác (tai nghe).

"Cứ mỗi lần được ăn lại món ba khía, ký ức về miền sông nước Bạc Liêu lại tràn về. Với những cánh rừng đước, rừng tràm lúc nhúc ba khía, những người nông dân giọng nói lảnh lót và gương mặt hồn hậu. Mâm cơm của dân Bạc Liêu cũng ngọt như giọng nói của họ vậy"

Hãy cùng mình điểm qua đặc sản 3 miền tại 63 tỉnh thành Việt Nam, để nếu có đi công tác hay đi du lịch, sẽ không bị bỏ lỡ những món tinh túy này nhé.


 A - AN GIANG - BÚN CÁ LONG XUYÊN

An Giang với những cánh đồng mướt mắt, là nơi trú ngụ của những đàn cá lóc đồng mập mạp và vô cùng khỏe, quẫy rất dữ. Cá lóc ở đây thịt thơm mà săn chắc vô cùng. 
Cứ mỗi dịp vía Bà, dừng chân lại để thưởng thức một tô bún cá Long Xuyên nóng hổi, vậy là có ăn thêm bát bún cá ở nơi nào khác cũng không tài nào thỏa mãn nữa.
Bún cá Long Xuyên còn gọi là bún cá Châu Đốc được bán khắp nơi trong vùng vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch.

 Tô bún cá Long Xuyên (đặc sản An Giang) bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc đồng và màu xanh của rau muống, rau nhút

B - BÀ RỊA VŨNG TÀU - LẨU CÁ ĐUỐI

Là vùng biển nên Vũng Tàu nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon, vừa được đánh bắt. Trong đó, món lẩu cá đuối là món không quá lạ miệng nhưng lại gây nghiện cao, nhất là những ngày trời mưa.
Thịt cá đuối mềm và cực ngọt, trong khi ăn, nhai lẫn cùng những đoạn sụn giòn sựt sựt thì phải nói là cực thú vị và ngon miệng. 

Vũng Tàu có nhiều quán lẩu cá đuối nổi tiếng nhất là những quán nằm dọc đường Lê Công Định.

B - BẮC GIANG - CUA DA

Theo những người làm nghề sông nước trên sông Thương, cua da chỉ sinh sống trong hốc đá dưới lòng sông. Sông Thương nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong; sông đặc biệt nên sinh ra loài cua cũng ngon đặc biệt.

Loài cua này càng có lông mọc rậm rạp, phủ khắp thân cua. Cua càng ở sâu bao nhiêu thì càng đen, thịt càng ngon và chắc bấy nhiêu. Cua da rất được dân nhậu ưa chuộng. Có thời điểm, giá cua lên tới 450.000 đồng/kg, thế nhưng cũng chẳng kiếm được mà ăn.
Càng rét, càng dễ bắt được cua nhưng thường, cua xuất hiện nhiều vào hai tháng 10 và 11.

B- BẮC KẠN - BÁNH NGẢI

Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, của rong rêu, cây lá. Hình thù và cách làm bánh ngải gần giống với bánh giầy của người miền xuôi.

Trước đây, bánh ngải chỉ được làm trong các dịp lễ mừng lúa mới hay các ngày lễ tết của người Tày, là loại bánh cúng lễ nghi linh thiêng. Tuy nhiên, ngày nay, bánh ngải đã được bày bán rộng rãi tại những buổi chợ phiên, và được bà con dân tộc Tày làm để bán cho khách du lịch. 

B - BẠC LIÊU - GỎI BA KHÍA

Ba khía có khắp ĐBSCL ở những vùng nước lợ, nước mặn nhưng dân sành ăn nói ba khía Cà Mau, Bạc Liêu ngon hơn cả. Ở Bạc Liêu còn có món mắm ba khía 
nổi tiếng.

Ngày trước, mắm ba khía là món ăn của tá điền, dân nghèo. Giờ thịt cá ê hề, thứ đồ ăn dân dã lại trở thành khoái khẩu. Tới thành phố Bạc Liêu, bạn nên ghé qua khu Nhà Mát, ở đó có vựa mắm ba khía lừng danh. 

B - BẮC NINH - NEM BÙI

Để làm nem người ta lấy thịt thân con lợn và phải là thịt tươi, ngon nhất. Người làm nghề làm nem rất vất vả vì để hoàn thiện món này đòi hỏi phải rất cẩn thận trong từng công đoạn.

Nem sử dụng trong ngày là ngon nhất, nếu để trong tủ lạnh thì được 2-3 ngày. Thực khách có thể tìm mua nem Bùi ở Bắc Ninh. Điểm nổi bật để mua món đặc sản này là dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương đâu đâu cũng thấy biển hiệu bán nem Bùi.

B - BẾN TRE - KẸO DỪA

Ở khu vực Nam Bộ có nhiều nơi sản xuất kẹo dừa, nhưng thơm ngon nhất vẫn là kẹo dừa Bến Tre, và đặc biệt là kẹo Mỏ Cày. Thế nên mới có câu ca dao lưu truyền từ ngàn xưa đến nay "Chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh".

 Dừa Mỏ Cày nói riêng và dừa Bến Tre nói chung đều có vị ngọt thanh đặc trưng và là nguyên liệu tốt nhất cho việc chế biến kẹo.

B - BÌNH ĐỊNH - BÚN CHẢ CÁ QUY NHƠN

Bao nhiêu năm nay, những người con xứ Nẫu và những người từng một lần ghé xứ này, đều không nguôi nhớ về món bún chả cá trứ danh nơi đây. Bún chả cá Quy Nhơn không biết từ bao giờ đã trở thành món ăn mang biểu tượng văn hóa ẩm thực của xứ biển nhiều nắng lắm gió này.

Ngày nay, dẫu Quy Nhơn đã có nhiều nhà hàng bún chả cá mọc lên, to đẹp và sang trọng nhưng đa phần người sành ăn vẫn chọn ăn bún chả cá ở một quán vỉa hè ven đường Nguyễn Huệ.

B - BÌNH DƯƠNG - BÁNH BÈO BÌ

Nhắc đến bánh bèo bì, người Sài Gòn thế hệ trước hay nhớ về những ngày cuối tuần rong ruổi về Lái Thiêu để thưởng thức món ngon độc đáo này. 

Từng miếng bánh bèo với bột đậu xanh ở trên, được quết thêm chút mỡ hành rồi phủ bì (da heo xắt) lên... chỉ đơn giản là vậy sao có thể cuốn hút bao nhiêu thế hệ thực khách? Có lẽ không chỉ vị ngon mà còn là không khí trong lành và ấm áp nơi đây ùa về.

B - BÌNH PHƯỚC - GỎI TRÁI ĐIỀU

 Đặc sản gỏi trái điều Bình Phước là món ăn hấp dẫn và lạ miệng làm đắm say lòng biết bao du khách. Chạy ngang qua rừng điều đương vụ, rồi thưởng thức món gỏi trái điều bạn sẽ có những giây phút thú vị và cuốn hút, bởi hương thơm da diết của điều.

Món ăn dân dã này lại trở thành thức hấp dẫn xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng cho đến quán ăn bình dân.

B - BÌNH THUẬN - LẨU THẢ

Lẩu thả là sự hòa quyện của thịt heo luộc, trứng cắt sợi, các loại rau quả và đặc biệt là cá mai  lóc xương thành phi lê rồi chần qua nước cốt chanh cho vừa chín tái và thấm ướp gia vị.

Nước lẩu được nấu công phu hơn với nước hầm xương, tôm nõn xay nhuyễn, cà chua chín đỏ để tạo vị ngọt thanh và màu đỏ tự nhiên.
Ngoài ra, lẩu thả không thể thiếu nước chấm đặc biệt của người dân nơi đây khi phối hợp khéo léo nước me chua, đậu phộng rang, ớt chín, chuối sứ và nước mắm thơm nồng được xay nhuyễn tạo nên một hỗn hợp sánh mịn, thơm béo mà đậm đà.

C - CÀ MAU - GỎI NHỘNG ONG

Món gỏi nhộng ong U Minh thì đúng là “đệ nhất” món ngon của Cà Mau. Nhộng ong U Minh nhiều và có vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả. Người thợ nhộng ong sau một ngày vất vả gác kèo lấy mật, chiều về thường mang theo một hai phần sáp đầy nhộng ong về.

Món gỏi nhộng ong rất hiếm vì không phải lúc nào người ta cũng tìm được nguyên liệu để làm món ăn này. Do đó, có người chỉ nghe qua tên món ăn thôi mà chưa từng được thưởng thức nếu không có người quen ở xứ Cà Mau hoặc biết nơi nào ở Cà Mau có làm món ăn đặc sản này.

C - CAO BẰNG - NẰM KHÂU

Nằm khâu là món ăn trong cỗ cưới của người Tày ở Cao Bằng. Món được nấu từ thịt ba chỉ và khoai, chỉ vậy thôi nhưng đem lại hương vị khó quên. Nằm khâu là món ăn chủ yếu có trong mâm cỗ cưới vùng cao, rất gần gũi với người dân các huyện của tỉnh Cao Bằng.

Ăn món này cũng là một nghệ thuật, món ăn phải luôn để nóng. Khi ăn gắp cả miếng thịt, lẫn miếng khoai và cả mấy cọng rau thơm. Không ít người lần đầu được thường thức nằm khâu, nhìn thấy miếng ăn to đã sợ ăn không hết, nhưng khi ăn rồi chỉ muốn được ăn thêm, thêm nữa.

C - CẦN THƠ - BÁNH CỐNG

Giữa bao nhiêu thứ đặc sản của vùng đất miền Tây, ai đã nếm bánh cống một lần đều khó có thể quên được cái tan giòn của vỏ bánh vàng ươm, vị ngọt đậm đà và béo ngậy được cân bằng lại rất khéo bởi cái tài tình của bát nước chấm với đủ loại rau ăn kèm này. 

Cái tên bánh cống hay còn gọi là bánh cống nghe có vẻ thật lạ, là một trong những món ăn độc đáo của ẩm thực Cần Thơ. Sở dĩ nó có tên như vậy vì khuôn làm bánh có hình giống như cái cống hình ống, có hình dáng tựa như phin cà phê.
Trong các quán bánh thì quán cô Út Cần Thơ là nổi tiếng và nhiều Khách du lịch đến ăn nhất.

D - ĐÀ NẴNG - BÁNH TRÁNG CUỐN THỊT HEO

Điểm nhấn của món bánh tráng cuốn thịt heo này đó chính là nước chấm. Nước chấm của bánh tráng cuốn thịt heo không phải chỉ là nước mắm đơn thuần, thành phần chính của nó chính là mắm nêm, ngoài ra còn có gừng, xả và dứa đem xay nhuyễn ra hoặc bằm nhỏ ra rồi pha chung. 
Điểm mặt một số quán bánh tráng cuốn thịt heo nổi tiếng tại Đà Nẵng: quán Trần (số 4 Lê Duẩn), quán Mậu, quán Bà Mua (19 Trần Bình Trọng), quán bà Hường (36 2 tháng 9)...

D - ĐẮK LẮK - GỎI LÁ

Món gỏi lá thật đặc biệt vì người làm sẽ lấy đủ các loại lá rồi cho lên trên miếng thịt, miếng tôm, cá rồi thêm chút gia vị. Sau đó, miếng gỏi lá được chấm qua chén nước chấm sền sệt và ngấu nghiến nhai để thấm được vị ngon. Nhai càng kỹ càng thấm nhiều vị khác nhau, đó là vị chát của lá ổi, vị chua chua của lá xoài quyện cùng vị béo của thịt, tôm cùng vị cay xè của hạt tiêu nguyên...


Sau mỗi lần ăn, nếu có làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng thì thật tuyệt vời.Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt cho sức khỏe, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh

D - ĐẮK NÔNG - CÁ LĂNG SÔNG SÊRÊPỐK

Dòng Sêrêpôk hoang dã, và bí ẩn đã được thiên nhiên ban tặng cho một loại cá quý đó là cá lăng rắn chắc, thịt thơm và là món ngon khiến nhiều người phát thèm. Cá Lăng có thể chế biến thành vô số món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo đậm chất Tây Nguyên. 

Mới đây, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã công nhận món ăn “Cá lăng nướng sông Sêrêpốk” của tỉnh Đắk Nông vào Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam từ năm 2011-2016.
Ghé sông Sêrêpốk tại địa bàn huyện Krông Nô, Chư Jút để thưởng thức món cá lăng đuôi đỏ ngon nhất nhé các bạn.

D - ĐIỆN BIÊN - PA PỈNH TỘC

Pa pỉnh tộc (cá suối nướng lật úp) là món ăn cổ truyền của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc. Đây là món ăn quý, rất được trân trọng trong cộng đồng người Thái. Người Thái có câu nổi tiếng: 
"Gà tơ tần đem đến. Không bằng pa pỉnh tộc đem cho". 
Du khách có thể lưu trú ngay tại bản văn hóa dân tộc và được đồng bào địa phương phục vụ tận tình, chu đáo món ăn này với tấm lòng mến khách. Các bản văn hóa du lịch không chỉ hấp dẫn bởi không gian rừng núi thoáng đãng, yên tĩnh mà còn nổi tiếng bởi các món ẩm thực đặc sản được chế biến bởi bàn tay khéo léo của những “đầu bếp” tài ba trong bản.

D - ĐỒNG NAI - DƠI XÀO LĂN

Ở đất Đồng Nai, thịt dơi là đặc sản được chế biến thành nhiều món tài tình và món nào cũng được yêu thích, đặc biệt với dân nhậu. Bởi thế, có dịp đến Đồng Nai mà bạn không thưởng thức món ăn độc đáo, lạ lùng này sẽ là điều hối tiếc. 
Thịt dơi có vị ngọt đượm, thơm, khi xào lăn hay nấu cháo càng dậy mùi và kích thích vị giác khiến ta thòm thèm.
Dù là lần đầu tiên hay đã vô số lần được nếm qua, món đặc sản 3 miền này lúc nào cũng dễ dàng chinh phục những thực khách khó tính. 
Để ăn các món thịt dơi thì ở quanh vườn trái cây Long Khánh là có nhiều quán phục vụ món này nhất. Món dơi xào lăn hay dơi nướng luôn được các đấng mày râu lựa chọn khi ngồi trên bàn nhậu nên bạn nhớ đừng bỏ qua nhé.

D - ĐỒNG THÁP - NEM LAI VUNG

“Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…”
Miệt vườn sông nước Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với hoa sen, đây còn là nơi sản sinh ra món nem chua có tiếng Lai Vung với hương vị đậm đà, cảm giác chua dịu, ăn một miếng lại muốn thử miếng thứ 2, thứ 3.

Xuôi theo quốc lộ 1A từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, qua Mỹ Thuận, các bạn sẽ thấy dọc bên đường là những quán hàng bán nem. Nem Lai Vung gói bằng lá chuối, vuông vắn và buộc thành từng chục, treo lủng lẳng vui mắt.
Khi thưởng thức, người ta sẽ bỏ phần lá chuối, lộ bên trong phần nem đỏ hồng, rất thích mắt. Thương hiệu nem Lai Vung ngày nay mang tới kinh tế khá giả cho nhiều hộ gia đình có tên tuổi như nem Út Thẳng, nem Năm Thơ, nem Chiến Ngoan, nem Tư Minh…

G - GIA LAI - PHỞ KHÔ

Ở Pleiku có thương hiệu phở khô nổi tiếng nhất là phở khô Ngọc Sơn, một tại quán cũ ở 15 Nguyễn Thái Học, một ở đầu dốc cầu Hội Phú.
Phở khô Gia Lai còn được gọi là “Phở hai tô” vì nó bao gồm 1 tô phở khô và 1 tô nước dùng đi kèm.

 Vào quán, bạn có gọi: 
“cho một tô phở khô”
 thì người ta vẫn cứ bưng cho bạn hai tô. Một tô đựng bánh phở làm từ bột gạo xay (ngày nay thường dùng sợi miến Dong).
Ăn ở Pleiku giữa cái khí trời se lạnh buổi sáng sẽ có cái thú vị riêng và đậm đà hương vị bản địa, núi rừng Tây Nguyên.

H - HÀ GIANG - CHÁO ẤU TẨU

Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu - một loại củ có chất độc cực mạnh, nhiều vị khách nghe nói là rùng mình. Nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào Tây Bắc, nó trở thành món ăn có ích cho sức khỏe.

Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa ở Hà Giang nhưng điểm thú vị là chỉ bán vào buổi tối. Cháo ăn buổi tối sẽ có tác dụng tốt nhất. Món ăn giúp thư giãn gân cốt, giảm đau xương nhức cơ, và giúp hồi phục sinh lực.

H - HÀ NAM - CÁ KHO LÀNG VŨ ĐẠI

Trước kia, làng Vũ Đại (Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam), nổi tiếng vì là quê hương của cố nhà văn Nam Cao với kiệt tác văn học “Chí Phèo”, còn bây giờ, ngôi làng này lại nổi tiếng với niêu cá kho truyền thống mỗi khi Tết đến xuân về.
Nồi cá kho làng Vũ Đại phải được nêm đủ các loại gia vị gồm: gừng, giềng, ớt, hành khô, nước dừa, nước cốt cua đồng, nước mắm, mì chính, hạt tiêu, chanh thì mới trọn vị.
 Cá khi kho xong thịt rắn chắc, có màu vàng nâu, mùi thơm ngon, hấp dẫn. Với khí hậu nước ta, nếu để ở ngoài có thể bảo quản cá trong 2 – 3 ngày, còn nếu cho vào tủ lạnh, khi kho lại cá vẫn giữ được mùi thơm để cả tuần vẫn ngon.

H - HÀ NỘI - BÚN THANG

Bún thang là một món ăn chứa đựng vô vàn nét tinh túy của ẩm thực Hà thành. Muốn ăn bát bún thang ngon, hãy tìm tại phố Cầu Gỗ, Hàng Hòm, Giảng Võ...
Nguyên liệu chính làm nên bát bún thang bao gồm: trứng gà tráng mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún được dùng phải là loại bún mềm sợi nhỏ, khi cho ra bát không được chần lâu. 

Bát bún thang hấp dẫn bởi màu vàng của trứng tráng mỏng thái chỉ tơ, phớt hồng của giò lụa, màu trắng của thịt lườn và màu vàng của da gà.

H - HÀ TĨNH - RAM BÁNH MƯỚT

Ai đã đến Hà Tĩnh mà chưa ăn bánh mướt cuốn với ram thì thật là uổng phí. Ram làm từ miến, thịt, ớt tiêu, nấm, lá lốt cuốn với bánh ram làm từ bột gạo… rán vàng. Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán (chả giò), nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Đậm đà hơn, một hương vị của chỉ riêng Hà Tĩnh mới có được

Ram bánh mướt có mặt trên nhiều tuyến đường Hà Tĩnh, cả trong quán và gánh hàng rong.

H - HẢI PHÒNG - BÁNH ĐA CUA

Ở Hải Phòng bước ra ngõ là gặp bánh đa. Thành phố này có bánh đa cá, bánh đa tôm, bánh đa cua, lại còn có bánh đa vách ngăn (phần giòn giòn trong nội tạng của heo, ăn khá lạ miệng và hấp dẫn).

Những sợi bánh đa cua màu đỏ đất bắt mắt ngập trong nước cua sánh màu vàng sóng sánh. Gạch cua đúng điệu là phải được phi thơm với hành củ phi, lóng lánh, béo ngậy được rải lên trên. Rồi thì là chả lá lốt, chả thịt, thịt cua, rau… tất cả được dàn đều một cách hài hoà lên bát, mà khi ăn vào thì vị của chúng thấm đượm rất tuyệt vời.

H - HẢI DƯƠNG - CHẢ RƯƠI TỨ KỲ

Khi tới tháng 10 âm lịch, người nông dân sinh sống ven đê sông Thái Bình (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) lại mất ăn mất ngủ để thu lượm lộc trời. Lộc trời nức tiếng của vùng đất này là con rươi - sinh vật thân mềm được nhiều thực khách săn đón như một thứ đặc sản từ thiên nhiên.

Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, món chả rươi là món dễ chế biến và thơm ngon nhất vùng quê này.
Chả rươi được làm theo phương thức gia truyền, thơm lừng hấp dẫn. Vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà, và mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm, lưu lại hương vị khó quên.

H - HẬU GIANG - SỎI MẦM

Vài viên sỏi được nung thật nóng, bày biện khéo léo trong lòng chiếc đĩa rộng, xung quanh là các roại rau sống, ớt tươi, bắp cải thái nhỏ, rau thơm xanh tươi đẹp mắt. Thứ được làm chín trên mặt sỏi là thịt heo rừng được ướp sẵn tiêu, tỏi, hành ngò…

Món ăn được dọn lên là thời điểm hòn sỏi được nung nóng rẫy nhất. Lúc đó, thực khách chỉ cần nhanh tay gắp từng miếng thịt heo rừng ướp đượm mùi,thái mỏng dính dải đều lên mặt hòn sỏi, nghe tiếng xèo xèo của sỏi nóng và mỡ từ thịt chảy xuống. Cho tới khi thấy hương thơm ngào ngạt theo làn khói mỏng, thì miếng thịt heo đã vàng ươm, đượm mùi vô cùng hấp dẫn.

H - HÒA BÌNH - THỊT LỢN MUỐI CHUA

Với địa lý cực kì đặc trưng của vùng cao xứ Hòa Bình, lợn được nuôi theo hình thức thả rông ở rừng đồi, những người dân bản xứ chế biến được biết bao món ăn ngon như nướng, thui, thịt heo gác bếp... Một trong những món ngon nhất ấy là đem thịt lợn đi muối chua, món này không đâu ngon bằng đặc sản Hòa Bình. 

Khi khách du lịch thưởng thức món ăn thịt lợn chua vẫn cảm nhận được màu sắc của thịt lợn, độ ngậy của bì, độ chua của men rừng, vị mặn vừa phải của muối, mùi thơm của gạo. Món ăn này thường được ăn với các loại lá rừng rất ngon và thanh.

H - (TP) HỒ CHÍ MINH - CƠM TẤM

Cơm tấm Sài Gòn đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tuy nhiên ở đâu thì bạn cũng không thể tìm được cái cảm giác và hương vị như được ăn ở TP.HCM.
Cơm tấm là món ăn sáng phổ biến ở Sài Gòn, vô cùng đa dạng từ: cơm tấm bì, cơm tấm sườn, cơm trứng chiên, trứng ốp la ... Thật dễ dàng để tìm được một quán cơm tấm ngon nơi đây.

 Một vài địa chỉ nổi tiếng cho bạn nào muốn biết: cơm tấm Ba Ghiền, cơm tấm Kiều Giang, cơm tấm Xô Viết Nghệ Tĩnh, cơm tấm An Dương Vương, Kinh Dương Vương…

H - HƯNG YÊN - CHẢ GIÒ TIẾU QUAN

Món chả gà có xuất xứ từ thôn Tiểu Quan của huyện Khoái Châu, ăn ngon nhất vào thời tiết se lạnh. Gà phải là những con to khỏe được nuôi thả rông ở vườn cho chắc thịt. Khi làm cũng phải chọn phần nạc nhất của con gà, lọc bỏ gân, da, xương rồi thái nhỏ, cho vào cối giã nhuyễn.

Bạn có thể thưởng thức món ăn làm từ gà trong những nhà hàng đặc sản, đặc biệt là ở huyện Khoái Châu hay các quán ăn chuyên gà gần Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên với giá khoảng 150.000 đồng/ đĩa.

K - KHÁNH HÒA - NEM NƯỚNG NINH HÒA

Được ngồi bên bếp than hồng rực lửa, chưa ăn đã ngửi thấy mùi thơm xèo xèo của thịt nướng, vị lạnh lạnh, man mát của đủ thứ rau sống, rau thơm khiến món nem nướng hấp dẫn thực khách vô cùng.

Hiện nay, tại Nha Trang có rất nhiều quán nem Ninh Hoà (hay nem nướng Nha Trang) nhưng đúng "chất" thì phải đến các quán nem nướng Vũ Thành An ở 15 Lê Lợi (đối diện có Nem nướng Đặng Văn Quyền), Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ. Các cửa tiệm nem nướng phục vụ từ chiều đến tối với rất đông thực khách cả người dân bản địa và khách du lịch.

K - KIÊN GIANG - NẤM TRÀM

Nấm tràm có nhiều ở Phú Quốc là loại đặc sản có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, nấm tràm không phải lúc nào cũng sẵn. Muốn ăn nấm tươi phải đúng mùa mưa. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.

Luộc gà rồi cho nấm tràm vào nấu với nước gà luộc là món đơn giản và giữ được vị nguyên của nấm nhất. Vừa xé gà chấm muối tiêu chanh, thỉnh thoảng húp chút nước, gắp miếng nấm tràm ngắm trời mưa thật ấm người, ấm lòng và thỏa mãn cái dạ dày.

K - KON TUM - GÀ NƯỚNG KON PLÔNG

Món gà nướng này đã có mặt khắp nơi trên địa bàn tỉnh Kon Tum với nhiều phiên bản và cách chế biến khác nhau, nhưng ngon nhất vẫn là món gà nướng Kon Plông. Để làm món này, nguyên liệu quan trọng nhất là thịt gà. Giống gà của người bản địa,  chỉ trên dưới 1kg, loại thả vườn thì thịt gà mới chắc và có vị ngọt ngon.

Gà nướng sau khi chín, xé nhỏ, ăn kèm với muối tiêu rừng hoặc muối é, được giã nhỏ với muối hột, ớt xanh. Gà nướng ăn bốc bằng tay, kèm với cơm lam thơm dẻo, uống thêm chút rượu ghè kê của đồng bài dân tộc thì không có gì thú vị bằng.

L - LAI CHÂU - RÊU ĐÁ NƯỚNG

Để làm món rêu nướng, sau khi sơ chế và vắt hết nước, đem tẩm với các gia vị như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng, bên trên phủ một lớp than hồng. Khi vùi than cần phủ đều để giữ sao cho rêu chín đều mà không bị cháy. 

Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới lấy ra rồi bóc từng lớp lá khi đang còn nóng. Mùi thơm của gia vị cùng mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng biệt, cuốn hút. Rêu đá nướng trông giống như tảo biển, mềm, ngậy ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt. 

L - LÂM ĐỒNG - ATISÔ HẦM GIÒ HEO

Một đặc sản của riêng đất trời Đà Lạt, ăn ở bất cứ nơi nào khác cũng không có hương vị như nơi đây. Không chỉ là món ăn ngon, atisô hầm giò heo còn là loại thuốc bổ cực tốt. Nó giúp cho người ăn ngủ ngon, lợi tiểu, mát gan, tăng thêm sức khỏe. 

Vị nước ngọt, thanh và xương hầm mềm, béo mà không nát càng khiến món ăn được lòng nhiều người.
Món này có trong thực đơn ở hầu hết khách sạn, nhà hàng với giá đa dạng, từ mấy chục ngàn đến 100.000 đồng/tô tùy nơi. Ẩm thực Đà Lạt như chính người dân nơi đây, vừa thanh lịch, vừa nhiệt tình trong nhịp sống, cùng tạo nên một Đà Lạt dịu dàng, nhưng ẩn giấu mãnh liệt.

L - LẠNG SƠN - VỊT QUAY

Vịt quay và phở vịt quay Lạng Sơn là đặc sản nổi tiếng khắp nước. Nếu du lịch Lạng Sơn mà không thưởng thức 2 món ăn này thì quả là phí cả chuyến đi. Vịt để làm ra món đặc sản này là vịt bầu Thất Khê, giống vịt bầu này thịt chắc, mềm, ngọt mà lại không quá dai.

Khi ăn vịt quay, nhớ gọi thêm bát phở vịt ăn cùng măng chua và chút rượu Mẫu Sơn để cảm nhận được hết hương vị tuyệt vời nhé.
Những địa chỉ có món vịt quay và phở vịt siêu ngon như là: Phở Vịt Quay Hải Xồm, Quán phở ở mặt sau Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, Quán vịt quay Mật Mật, Quán vịt quay Hùng Hưng, Quán vịt quay Hương Nga, Quán vịt quay Hà Nga

L - LÀO CAI - CUỐN SỦI

Cuốn sủi (còn được gọi là phở khan), khá giống với món phở Tíu. Cũng là bánh phở trắng mềm dưới bát, phía bên trên lớp phở được rắc chút mỳ bằng củ dong rang giòn rụm cùng thịt bò, gia vị được nấu sền sệt thành một thứ nước sốt có hương vị đậm đà. 

Trên cùng của bát cuốn sủi là hạt tiêu, lạc, rau thơm và vài lát ớt.
Ở Lào Cai, có rất nhiều quán hàng cuốn sủi và  các nhà hàng chế biến món ăn kiểu người Hoa. Nhưng đa phần những khách đi bằng tàu lên Lào Cai thường dừng lại ở ngay quán ăn chỉ cách nhà ga có vài bước chân

L - LONG AN - RƯỢU ĐẾ GÒ ĐEN

Làng rượu Gò Đen tại Gò Đen, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức nổi tiếng hàng trăm năm nay. Rượu Gò Đen có hương vị độc đáo nhờ có cách chọn nguyên liệu từ các loại gạo nếp nức tiếng như: nếp mỡ, nếp mù u, nếp hương, nếp thổ địa, nếp than… Tất cả các loại gạo nếp này được trồng ngay tại địa phương rất dẻo và thơm ngon.

”Mỹ tửu” Gò Đen chinh phục người uống bởi rượu trong như nước mưa. Mỗi khi rót rượu vào ly, tiếng rượu chảy róc rách, vị cay nồng đã đủ làm say, làm khao khát lòng người uống./.

N - NAM ĐỊNH - CÁ NƯỚNG ÚP CHẬU

Món ăn từ lâu là niềm tự hào của người dân xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Cá không kén mùa nhưng chủ yếu được chế biến và thưởng thức trong những ngày tết cổ truyền.

Cá nướng Nam Định tuyệt ngon song không được rao bán như cá kho niêu đất Vũ Đại, Hà Nam. Vì vậy, người ăn càng thấy nâng niu, trân trọng hơn bởi hương vị thơm lừng của món cá cũng như thời gian, công sức đổ ra cho món ăn công phu này.

N - NGHỆ AN - NHÚT THANH CHƯƠNG

Nhút là cách gọi quen thuộc của người miền Trung, đó là quả mít muối mặn ăn với cơm cũng tương tự món dưa muối của người miền Bắc. 

Theo những người sành ăn thì dẫu gần như cả miền Trung đều làm nhút mít xong nhút mít Thanh Chương có hương vị rất riêng và được xem là ngon hơn cả.
Thường thì mỗi năm chỉ có một mùa mít, nên nhút được muối dùng để ăn quanh năm, cứ thèm là chỉ cần lấy ra xơi ngon lành.

N - NINH BÌNH - DÊ NÚI

Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì 2 lẽ: dê ở đây nuôi trên núi đá, ăn chủ yếu các loại lá cây nên thịt săn chắc hơn so với dê thả đồi.Thứ hai, người Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Nhất là món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung... vị bùi bùi, thịt ngọt ngọt sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức! 

Địa điểm có món dê núi ngon ở Ninh Bình: nhà hàng Hoàng Long, Nhà hàng Hùng Hà, Nhà hàng Xuân Hưởng..

N - NINH THUẬN - BÁNH CĂN

Bánh căn là món ăn đặc trưng của người Chăm ở Ninh Thuận, qua quá trình tiếp biến, người Việt đã học hỏi và sáng tạo thêm nhiều cái mới, làm món ăn này thêm đặc sắc hơn. 

Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân là trứng, thịt và tôm có khi là mực… tùy theo ý thích của người thưởng thức. Ngay khi vừa chín tới, bánh được lấy ra và được thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh điểm thêm màu xanh của hành lá, nhìn càng ngon.
Bánh căn có bán ở nhiều góc phố ở TP Phan Rang, tuy nhiên du khách có thể đến góc đường Đoàn Thị Điểm – 16/4 đối diện Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận... là ngon nhất.

P - PHÚ THỌ - THỊT CHÓ VIỆT TRÌ

Phố Đoàn Kết là trung tâm của thịt chó với gần 20 cửa hàng lớn nhỏ, mang vẻ dân dã vốn có. Theo những chủ cửa hàng ở đây thì phòng ốc bóng loáng, bàn ghế sang trọng sẽ không còn là chất riêng của thịt chó Việt Trì.. 
Thịt chó Việt Trì thường được chế biến thành các món: thịt luộc; dồi nướng; lòng hấp; thịt nướng ; nhựa mận; xáo măng... Các gia vị chính để chế biến món thịt chó là: xả, riềng, mẻ, mắm tôm... Các đồ ăn và rau thơm đi kèm như là: bánh đa, húng chó, hành sống, mơ tam thể, củ sả, ...

P - PHÚ YÊN - XÔI BỒ CÂU

Ở xã An Định, huyện Tuy An có một món dân dã mà ngon lạ đó là xôi bồ câu ra ràng (bồ câu non vừa đủ lông nhưng chưa bay được). Bồ câu ra ràng được chế biến thành nhiều món độc đáo và ngon miệng như hầm thuốc bắc, chưng cách thủy, nấu cháo đậu xanh và xáo xôi. 

Chỉ là gạo nếp bình thường nhưng khi xáo với thịt bồ câu ra ràng ta sẽ có một nồi xôi thơm lừng vị riêng. Xôi bồ câu ra ràng được xem là 1 trong những món thơm ngon, bổ khỏe, dùng để đãi khách quý và bồi dưỡng sức khỏe.

Q - QUẢNG BÌNH - BÁNH KHOÁI

Thoạt nhìn bánh khoái có nhiều nét giống với bánh xèo miền nam. Chỉ khác là bánh to hơn, giòn hơn, chế biến cầu kỳ hơn và đặc biệt bát nước chấm (người dân địa phương thường gọi là nước lèo) mang hương vị riêng biệt.

Có rất nhiều địa điểm phục vụ du khách món bánh khoái nhưng có lẽ bánh khoái đường Cô Tám được nhiều người biết đến hơn cả với nhiều cơ sở nổi tiếng như: Tứ Quý, Thủy Tiên, Thùy Phương, Kiều Hương... Bánh khoái Đồng Hới được làm từ gạo ngon, qua nhiều công đoạn chế biến thành thứ nước bột gạo, rồi dùng khuôn tráng bánh, sau đó ăn kèm với nhiều thứ rau và nước chấm.

Q - QUẢNG NAM - MÌ QUẢNG

Nếu ai một lần đến với Quảng Nam hẳn không thể nào quên được món ăn Mì Quảng rất dân dã nhưng nay trở thành đặc sản.
Ăn mì Quảng nên ăn vào buổi trưa, ngay khi còn nóng. Gắp một đũa mì cho vào miệng, húp 1 ngụm nước lèo cho phát ra tiếng “soạt”, khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon dâng lên đầy miệng. 

 Mì Quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mì sẽ bị tơi ra, rau sống héo, mùi thơm giòn của rau, đậu sẽ bị tản bớt…
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc Quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn. Một tô mì cũng không quá đắt với giá chỉ khoảng 20.000 đồng.

Q - QUẢNG NGÃI – DON

Don là tên của một loài nhuyễn thể giống hến, xuất hiện ở nơi con sông Trà Khúc và sông Vệ gặp biển.
Khi có ai đó gọi món, người bán sẽ dùng muỗng xúc một ít don, thêm tí hành tây, hành lá, bánh tráng một hai nắng, xé nhỏ như sợi mì Quảng và chan nước luộc don lên trên. 

Vừa nhận tô don bốc khói nghi ngút, dằm ớt xiêm và bẻ bánh tráng gạo thả vào. Khi bánh tráng vừa ngậm nước, thong thả thưởng thức vị thơm, ngọt của nước dùng, bánh tráng, cay của ớt, tiêu… sẽ thấy ngon đến bồi hồi.
Mùa cào don thường vào tháng 4,5 vì thế món don vào mùa hè là ngon nhất.


Q - QUẢNG NINH – SAM

Sam Quảng Yên là một món đặc sản nổi tiếng khắp 3 miền của đất Quảng Ninh. Chỉ với những con sam biển, người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn như tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn...

 Món nào cũng đặc biệt thơm ngon và “gây thương nhớ”. Sam Quảng Yên chắc chắn là một món ăn không thể bỏ lỡ khi đi du lịch xứ này.

Q - QUẢNG TRỊ - THỊT TRÂU LÁ TRƠNG

Thịt Trâu xào lá trơng là một trong những đặc sản Quảng Trị nức tiếng. Nếu có dịp đến đây bạn đừng bỏ qua cơ hội nếm thử món ăn này bởi không phải nơi nào cũng có. Vị cay nhẹ của lá trơng (lá trơng), hăng hăng của hành hòa quyện với cái ngọt của thịt trâu non làm mê mẩn bạn.

Người thích vị ngọt mềm, thơm nưng nức của thịt trâu còn nguyên vị thì gọi thịt nướng ăn với rau cải, tiêu ớt xanh và nước tương pha tương ớt. Người muốn đậm đà thì gọi thịt xào vừa chín tới. Món nào cũng thơm ngon vô cùng. Đặc biệt thịt trâu lá trơng mà ăn vào những ngày mưa lạnh thì tuyệt.

S - SÓC TRĂNG - CÁ BỐNG CÙ LAO DUNG

Cá bống sao có thịt dai, chắc, màu hồng. Món được chế biến từ loại cá này được nhiều người ưa thích nhất là kho tiêu, hay “kho chồn”. 

"Ví dầu cá bống kho tiêu,
Kho tiêu bỏ mỡ bỏ hành,

Bỏ ba lượng thịt để dành cho anh ăn"..
Cá bống sao “kho chồn” ngon là nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị đắng, bùi của gan cá, cộng với mùi cay, nồng của sả, ớt tạo nên hương vị khó quên. Ngoài ra, cá bống sao còn được chế biến thành nhiều món ăn khác như: cá bống sao nấu bần, lẩu mẽ cá bống sao,…

S - SƠN LA - THỊT TRÂU GÁC BẾP

Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp rất đặc biệt. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.

Thú vị hơn cả là cảm giác khi thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.

T - TÂY NINH - BÁNH CANH TRẢNG BÀNG

Một tô bánh canh ngon chất lượng phải đảm bảo hai yếu tố “thanh” và “sắc”.  “Thanh” ở vị nước dùng đậm vị đặc trưng nhờ nước hầm xương hòa quyện với gia vị và sợi bánh canh. 

“Sắc” là phải có đủ nguyên liệu và được trang trí bắt mắt. Dọc quốc lộ 22 từ TP HCM xuôi về Tây Ninh ngày nay không thiếu những quán bánh canh Trảng Bàng. Nếu có dịp đến đây, đừng quên ghé thăm để nếm thử hương vị độc đáo và ngon ngọt của đặc sản vùng nắng gió Tây Ninh nhé .

T - THÁI BÌNH - CANH CÁ QUỲNH CÔI

Bát canh cá Thái Bình khá mộc mạc. Bánh đa giống như sợi mỳ trắng vùng Tây Bắc được nấu từ “gạo nhà cày”, tráng mỏng thái sợi vừa đủ. Ăn vừa dai giống phở lại vừa mềm như bún, cách làm thì chỉ có người dân Thái Bình biết. Người ta gọi là bánh đa theo cách nói của người dân Hải Phòng.

Vào mùa lúa trổ bông tháng 10, cá rô đồng ăn hoa lúa, con nào con nấy béo mẩy được người dân bắt về, lọc thịt, rán giòn, xương hầm lấy nước, bát bánh canh lúc đó sẽ ngon nhất
Bát canh cá sẽ chưa trọn vẹn nếu thiếu màu rau xanh, hành lá, thì là. Lúc thì dùng rau cải, rau cần mùa lạnh, lúc thì rau ngót hay rau nhút mùa nóng, mùa nào thức nấy, cây gì trồng được thì nấu cùng bát bánh đa.
Phố Nguyễn Thái Học có nhiều quán canh cá rất ngon, sẽ làm bạn cảm thấy hài lòng.

T - THÁI NGUYÊN - BÁNH COÓC MÒ

Tiếng Tày, coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông như sừng bò. Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Bánh cooc mò được làm từ loại nếp ngon nhất mà bà con vùng núi cao trồng trên nương nên hương vị rất ngon, thơm, vị ngọt, dẻo, có thể ăn no cũng không thấy ngán. 
 Muốn thưởng thức món bánh này du khách cũng có thể đến Trung tâm thương mại Đồng Quang hoặc chợ Thái, với 20 nghìn đồng đã có trên tay chùm bánh cooc mò thơm nồng, quyến rũ.

T - THANH HÓA - NEM CHUA

Nem chua có độ dài hơn ngón tay, hình trụ dài là được ưa thích nhất. Loại nem này được làm từ thịt lợn còn ấm mang từ lò mổ về, chưa qua nước lạnh. Thịt cho vào máy xay  rồi trộn với bì lợn cán thành sợi, thêm thính gạo, gia vị, lá đinh lăng, tỏi, ớt và cuốn chặt bằng lá chuối hột hoặc chuối rừng. Cuốn nhiều lá chuối giúp nem ủ kín, nhanh lên men và giữ được hương vị lâu dài.

Chiếc nem chua nhỏ bé dùng làm đồ nhắm hoặc ăn với cơm, tương ớt và rất thích hợp mang đi xa làm quà.
Dọc Quốc lộ 1A, vào cửa ngõ Thanh Hóa có cả trăm hàng quán bán nem. Nhưng để mua được nem ngon thì khách nên đi sâu vào thành phố, tìm đến những cơ sở có uy tín. Giá bán nem chua dao động khoảng 3.000 đồng - 5.000 đồng/ chiếc.

T - THỪA THIÊN HUẾ - CƠM HẾN

Cơm hến Huế tuy là món ăn dân dã có khắp mọi nơi dù ở thôn xóm hay đường quê, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị. Cơm hến được làm từ cơm trắng nấu chín và để nguội. Người ta cho phần thịt hến cùng gia vị, tóp mỡ chiên giòn.

 Cơm hến có thêm chút mắm ruốc Huế vừa bùi, chát, và hăng. Được ăn kèm với phụ gia là rau sống gồm có: rau sống, bắp chuối, giá đỗ và ít thân khoai môn trắng... Lạc được rang vàng và phi dầu vàng cho có màu đẹp mắt.
Cơm hến ngon nhất ở các quán đường Hàn Mạc Tử. Hoặc bạn có thể đến cồn Hến để có thể ăn thêm món hến xúc bánh tráng. Cơm hến ở đường Trương Định hoặc Cung An Định cũng rất ngon.

T - TIỀN GIANG - HỦ TIẾU MỸ THO

Hủ tiếu Mỹ Tho là một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và hủ tiếu Nam Vang. Nhìn sơ qua, hủ tiếu Mỹ Tho cũng na ná các món ăn cùng loại. Nhưng chỉ đến khi ăn thử, bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng. 

Đặc điểm của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên thực khách có thể thoải mái lựa chọn thịt nạc, lòng, xương hay hải sản... . Nước dùng thì ngoài vị ngọt của nước hầm xương, còn có cái mằn mặn của tôm khô, ngọt nhẹ của củ cải, tạo cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi.
Một số quán hủ tiếu ngon nổi tiếng ở Mỹ Tho: Hủ tiếu chú Bảy, Hủ tiếu xíu mại, Hủ tiếu Tám Lài, Hủ tiếu Mười Tuấn…

T - TRÀ VINH - BÁNH TÉT TRÀ CUÔN

Không chỉ thơm ngon về hương vị, bánh tét nói chung và bánh tét Trà Cuôn nói riêng, đều có những nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng. Đậu xanh có tính mát, giải nhiệt,  phần nhân bánh có thịt mỡ, trứng cung cấp nhiều calo, chất đạm,… , nếp mới thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho mọi người. 

Bánh tét đặc biệt này vốn khiến nhiều người yêu thích nên tại Trà Vinh, có cả một làng nghề làm bánh tét ở ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, từ đó mà có rất nhiều sạp hàng chuyên bán loại đặc sản này. 

T - TUYÊN QUANG - GỎI CÁ BỖNG

Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi từ 1,5 đến 2 năm, trọng lượng đạt khoảng 2,5-3kg, thịt chắc. Gỏi cá Tuyên Quang không dùng thính gạo mà dùng chính xương cá rang vàng, cán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm và các loại lá rừng hấp dẫn, thích thú vô cùng.

Gắp 1 lát cá bỗng trắng phau, lăn qua chút bột mịn vàng, thêm vài hạt lạc rang đem gói cùng rau rừng, chấm với nước chấm có đủ vị chua, cay, ngọt, bùi, bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của thịt cá, vị bùi thơm từ xương băm, vị giòn từ bẹ chuối non, thêm vào đó là vị chua, cay của chanh, ớt và rau rừng thấm sâu nơi đầu lưỡi rất khó quên.

V - VĨNH LONG - CHUỘT ĐỒNG NƯỚNG

Thường từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch là bắt đầu vào mùa chuột đồng kiếm ăn dồi dào nên con nào cũng béo ú, lông mượt vàng. Khi vào mùa thu hoạch lúa thường niên, dân gặt thường dùng cách cắt lúa theo kiểu xoay cù, rồi bao lưới bắt chuột. 

Khi ăn chuột nướng thì cần phải có rau răm để cản mùi tanh, và góp phần làm tăng mùi thơm. Ngoài ra, bạn cũng cần có thêm lát chuối chát, khế và các loại rau mùi khác cùng xoài cắt lát để ăn kèm.
Món này có thể tìm được ở các quán nhậu bình dân ở Vĩnh Long, các quán bán đặc sản miền Tây.

V - VĨNH PHÚC - CÁ THÍNH CHUA

Cá thính, hay cá muối chua, là món được làm từ các loại cá nước ngọt còn tươi đem sơ chế, ướp thính để lên men chua, làm chín món ăn một cách tự nhiên. Cá thính thịnh hành như một trong những món ăn mặn dân dã, là đặc sản của Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Hiện tại, nhiều khu chợ tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một số quán đặc sản tại Hà Nội bán món cá này với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg. Tiếc là hương vị cổ truyền từ xa xưa đã không còn nữa. Nguyên nhân là cách làm xưa khá cầu kỳ và người làm phải là người cẩn thận từ khâu chọn cá tới khâu "ủ" mới ra được sản phẩm thành công.

Y - YÊN BÁI - CỐM TÚ LỆ

Nằm dưới chân đèo Khau Phạ, cánh đồng Tú Lệ như cắt ra từ những mảng trời xanh. Chuyện rằng cây lúa nếp Tú Lệ là cây lúa trời cho, dẻo thơm ngon nhất vùng Tây Bắc. Mùa thu gọi mùa cốm về, làng bản rậm rịch tiếng chày giã, khắp nơi nghe tiếng giã cốm thậm thịch, làng như ướp trong mùi cốm thơm ngát hương…

Cốm Tú Lệ được làm từ nếp tan, một loại gạo nếp nổi tiếng. Cốm Tú Lệ là đặc sản được làm dưới bài tay khéo léo của người Thái sống ở Tú Lệ. Được làm từ gạo nếp tan có hạt tròn to, trắng trong nên cốm có hương thơm đặc biệt, ngon không kém gì cốm Làng Vòng nổi tiếng Hà Nội. Để làm được những hạt cốm ngon, đậm đà hương vị miền Bắc thì nghệ nhân làm cốm phải làm rất công phu.

Comments

Popular posts from this blog

[Video] Đóng mở cặp số doanh nhân Echolac 2 lớp khóa

Cặp số công tác, cặp số đựng tài liệu giá rẻ - Giao hàng tận nơi

Mua cặp số doanh nhân giá rẻ ở đâu tại TPHCM?

Cần tìm cặp xách, túi xách nam - mẫu cặp số Echolac này sẽ làm bạn hài lòng